Giới thiệu:
Hiện trên thị trường có 2 dòng giấy màu nước chính là chất lượng artist và chất lượng student. Giấy có chất lượng artist còn được biết đến là dòng giấy có tuổi thọ lưu trữ tranh, acid-free (giấy được khử hết chất acid) và được làm ra với độ bền cao. Giấy không acid-free (non acid-free) sẽ bị vàng và giòn dần theo thời gian, tuổi thọ cũng vì thế mà thấp hơn nhiều. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu hoặc chỉ tập luyện thì giấy chất lượng student là lựa chọn khá ổn tuy nhiên lớp màu trên giấy sẽ không được bền lâu theo thời gian như các dòng cao cấp hơn.
Thành phần:
Giấy màu nước được làm từ hỗn hợp nước và sợi bông. Đối với các dòng giấy chất lượng artist, thành phần trong giấy luôn là 100% cotton, chính vì thế mà giấy artist rất dai và bền. Ngoài ra giấy còn được khử 100% acid vì đây là tác nhân chính gây ra hiện tương ám vàng và giảm tuổi thọ giấy nhất. Các dòng giấy rẻ hơn được làm từ bột gỗ hoặc đôi khi từ các sợi bông trộn với bột gỗ. Nếu bạn hướng đến sự lâu dài hoặc có ý định sử dụng nhiều kỹ thuật như: scrubbing, scraping (cạo) , taping, và masking thì giấy vẽ 100% cotton luôn là sự lựa chọn hàng đầu.
Định lượng giấy:
Độ dày của giấy không phải là thước đo cho chất lượng vì ngay cả những dòng giấy tốt nhất cũng chia ra làm hai dòng giấy nặng (dày) và nhẹ (mỏng). Tuy nhiên lựa chọn độ dày của giấy lại rất quan trọng vì giấy có bề mặt mỏng cần được bồi trước khi tô nếu không giấy sẽ bị nhăn khi ướt và khó sử dụng.
Giấy dày có thể chịu được nhiều nước hơn và không cần bồi trước khi tô. Trọng lượng giấy được các hãng sản xuất ghi trên bao bì kí hiệu 90 Ib / 190 gsm, 140 Ib / 300 gsm, 300-400 Ib / 600-850 gsm.
Giấy định lượng cao có giá thành cao hơn so với loại mỏng nhưng lại vô cùng thích hợp với nhiều nhu cầu của các họa sĩ chuyên nghiệp vì không cần bồi giấy và có thể chịu được nhiều lớp nước. Người mới bắt đầu có thể lựa chọn giấy định lượng từ 180g đến 300 gsm, tiết kiệm chi phí nhất mà vẫn thực hiện được nhiều kĩ thuật màu nước. Với giấy 140 Ib / 300 gsm bạn có thể đơn giản cố định 4 góc giấy vào bảng vẽ là đủ để bắt đầu và bỏ qua bước bồi giấy.
Phân loại vân giấy:
Cho đến nay vấn đề lựa chọn bề mặt giấy (Texture) vẫn dựa phần nhiều vào sở thích cá nhân và phong cách vẽ tranh của người vẽ. Giấy màu nước gồm có 3 loại vân chính:
- Vân Hot-pressed là giấy có bề mặt nhẵn, dễ sửa sai và phù hợp với việc tỉa chi tiết nhỏ trên tranh, tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là khó kiểm soát màu và bề mặt nhanh khô, bởi vậy nhiều hãng sản xuất giấy vẫn làm vân hot có bề mặt hơi sần nhẹ. Đây là loại giấy khó tô và khó kiểm soát nhất tuy nhiên cũng được không ít họa sĩ ưa thích vì dù có độ thử thách cao nhưng màu khi loang lên loại giấy này cũng ra những hiệu ứng rất độc đáo.
- Vân Cold-pressed là vân giấy linh hoạt và phổ biến nhất, thích hợp cho người mới bắt đầu và cả họa sĩ giàu kinh nghiệm, bởi bề mặt vân cold phù hợp cho cả vẽ chi tiết nhỏ và tô mảng lớn ngoài ra cũng sửa sai được ở 1 mức nhất định. Giấy Cold-pressed không chỉ phù hợp với gần như mọi kiểu tô mà còn phù hợp với mọi loại chất liệu màu, cũng là dòng giấy phổ biến và được ưa chuộng nhất hiện tại. Đây cũng được coi là vân giấy cơ bản nhất và thông thường kể cả các hãng sản xuất giấy hạng student hay thấp hơn cũng chủ yếu chọn vân này cho các sản phẩm của mình.
- Vân Rough là loại vân thô, sần nhất cực kì phù hợp tô mảng lớn, giấy sáng tự nhiên, vân giấy giúp màu lâu khô hơn, đặc biệt thích hợp với tranh phong cảnh, tranh kí họa. Nhược điểm của vân rough là rất kị vẽ tranh chi tiết nhỏ cần tỉa tỉ mỉ và khó sửa sai khi tô. Dòng giấy này cũng khá đa dụng khi còn có thể dùng với nhiều chất liệu màu khác ngoài màu nước.
Hầu hết các nhà sản xuất giấy màu nước cao cấp đều sản xuất 3 loại vân trên. Do đó tốt nhất bạn nên lựa chọn thương hiệu giấy trước và sau đó mới chọn đến vân giấy.
Một số hãng sản xuất giấy màu nước lớn có tên tuổi và được ưa chuộng nhất trên thế giới phải kể đến: Arches, Canson, Fabriano, Saunders WaterFord, Strathmore,..v…v….
Màu giấy:
Hầu hết giấy màu nước có độ trắng tự nhiên hoặc màu kem để ánh sáng phản chiếu trên bề mặt giấy và độ trong suốt của màu nước được hiển thị đúng nhất trên bức tranh. Nhiều họa sĩ màu nước thường để lại khoảng giấy trắng để thay thế cho màu trắng. Tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn giấy màu nước có màu khác biệt để tạo hiệu ứng, sắc thái, tâm trạng cho bức tranh của mình.
Bạn cũng có thể tạo hiệu ứng màu bằng cách phủ một lớp màu mỏng lên giấy màu nước có độ trắng tự nhiên. Bằng cách này bạn có thể tự nhuộm giấy với nhiều màu sắc yêu thích.
Hình thức:
Bạn đã hiểu thêm về xuất xứ cũng như các loại vân giấy rồi thì đây là lúc lựa chọn về hình thức. Phổ biến nhất là giấy màu nước dạng tờ rời, nhưng bạn cũng có thể tìm mua dạng cuộn, dạng quyển, dạng pads, dạng bảng.
Vậy hình thức của giấy màu nước có quan trọng không? Theo ý kiến cá nhân của mình, hình thức đóng gói của giấy màu nước khá quan trọng, bởi nó quyết định nhiều về giá thành thị trường và tính tiện lợi cũng như chất lượng của tác phẩm sau này. Nếu bạn là người mới bắt đầu với màu nước, mình khuyên nên chọn giấy ở dạng pad hoặc dạng block (4 góc được cố định bằng keo), bạn có thể lựa chọn giấy chất lượng cao có định lượng 300 gsm để không cần phải bồi giấy trước khi tô. Dạng pads thích hợp để vẽ ngoài trời bởi nó có miếng bìa cứng để đỡ vô cùng thuận tiện. Ngoài việc lựa chọn chất lượng và vân giấy, bạn có đa dạng lựa chọn về hình thức giấy, cuối cùng nó còn phụ thuộc vào sở thích cá nhân và phong cách vẽ. Nhiều họa sĩ lựa chọn mua giấy dạng lẻ, trong khi những người khác cảm thấy dạng pad hoặc block lại thuận tiện hơn.
Dạng Sheet (tờ lẻ):
- Bạn có thể dễ dàng tìm mua giấy dạng lẻ ở tất cả các cửa hàng họa cụ tuy nhiên với giấy định lượng dưới 300 gsm cần cố định 4 góc giấy bằng băng kính để tránh bị nhăn khi tô hoặc bồi giấy cũng là lựa chọn không tồi. Ngoài ra bạn có thể lựa chọn dạng giấy cuộn (Roll), miễn là bạn hiểu rõ thông số của giấy vì đây là cách tiết kiệm chi phí khá hiệu quả, giá thành dạng roll luôn rẻ hơn nhiều so với dạng tờ lẻ (sheets) hoặc pad. Lưu ý nên mua vừa đủ nhu cầu hoặc nếu mua nhiều để trữ dần thì nên bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh tình trạng giấy mốc, hỏng khi chưa dùng hết.
Dạng Block (cố định keo 4 góc tập giấy):
- Giấy màu nước dạng block là dạng tập giấy được cố định 4 góc keo. Đây là lựa chọn tốt nếu bạn không muốn phải cố định 4 góc giấy hoặc bồi trước khi tô. Sau khi hoàn thành bức tranh, bạn gỡ tranh ra và giấy dù chịu nhiều lớp nước cũng không bị cong vênh, nhăn nhúm.
Dạng Pad (giấy có đóng gáy keo/lò xo):
- Giấy màu nước dạng Padsrất lý tưởng để vẽ ngoài trời hoặc thực hành màu nước. Dạng pads luôn có miếng bìa cứng đệm dưới tiện lợi cho việc vẽ và lưu trữ tranh. Dạng pads trê thị trường thường có giấy màu nước chất lượng hạng họa sĩ và có cả giấy chất lượng hạng student, vì vậy hãy cẩn thận để không chọn sai. Dạng pads có 2 quy cách: dạng gáy keo hoặc dạng gáy xoắn. Dạng gáy keo luôn cố định tranh của bạn chắc chắn và có thể lấy tranh sau khi tô. Dạng gáy xoắn tiện lợi lật tranh để bắt đầu với bức tranh mới hoặc dễ dàng xé ra khi muốn 1 bức tranh riêng lẻ để trưng bày chẳng hạn?
Dạng Roll (Cuộn lớn có độ dài thường từ 10m trở lên):
- Đây cũng là 1 trong những lựa chọn hàng đầu mà các họa sĩ ưa chuộng. Nếu nhu cầu sử dụng giấy là liên tục hoặc muốn tiết kiệm chi phí thì giấy màu nước dạng roll cũng là 1 lựa chọn không tồi. Giấy được cuộn chặt thành 1 khối lớn, dùng đến đâu tự cắt đến đấy, kích thước giấy do người vẽ tự quyết định chứ không cố định như khi mua ở các dạng khác. Nhược điểm duy nhất là cần bảo quản độ ẩm kĩ để tránh tình trạng chưa dùng hết đã hỏng giấy, khá phí phạm.
CÁCH CHỌN MUA GIẤY MÀU NƯỚC PHÙ HỢP THEO NHU CẦU CÁ NHÂN:
Vậy là bạn đã biết thêm về bản chất, hình thức cũng như các loại vân giấy màu nước phổ biến trên thị trường rồi. Chúng ta sẽ cùng đi vào vấn đề mà ai cũng thắc mắc rằng “Làm sao để chọn giấy màu nước khi mua?”
- Nếu bạn chỉ mới bắt đầu tập tô màu nước, Tanuki xin khuyên bạn nên bắt đầu với các giấy có độ dày tối thiểu 180g cho luyện tập thường xuyên, giấy từ 300g để cho các tranh hoàn chỉnh và chăm chút hơn. Tuy nhiên nếu có điều kiện tài chính thì bắt đầu với giấy 300g là đã rất ổn rồi. Bạn cũng có thể mua thử nhiều loại khác nhau để trải nghiệm và cũng để tìm kiếm phong cách cũng như loại giấy mà bản thân cảm thấy phù hợp.
- Nếu bạn muốn tìm mua giấy cho các tác phẩm hoàn chỉnh thì cần lưu ý một vài yếu tố sau:
- Kiểm tra xem giấy có phải loại 100 cotton không (có thể hỏi người bán nếu giấy ở dạng tờ lẻ)
- Kiểm tra xem giấy có tag acid-free không. Điều này giúp tác phẩm của bạn bền lâu và không đổi màu trong thời gian rất dài. Tranh dùng để trưng bày hoặc đem bán rất quan trọng yếu tố này.
- Chọn giấy có độ dày ít nhất từ 300 gsm trở lên.
- Chọn vân giấy tùy thuộc vào nhu cầu cũng như phong cách, kỹ thuật tô thường dùng của bản thân.
- Nếu bạn quan trọng về chất lượng, luôn ưu tiên giấy handmade (giấy làm thủ công) hoặc giấy mould made (giấy làm trên dây chuyền máy móc nhưng chất lượng gần tương đương thủ công ). Nếu không bạn nên chắc chắn loại giấy mình mua có chất lượng ở hạng họa sĩ để có kết quả tô tốt nhất.
- Nếu mua dạng sheet (tờ rời) hoặc roll (cuộn) để tô vì đây là 2 hình thức tiết kiệm chi phí nhất tuy nhiên nếu hay tô ngoài trời hoặc kí họa, bạn có thể cân nhắc thêm cả dạng pad hoặc block để tiện đem theo người.
Cửa Hàng Họa Cụ HAMI ART
Hotline: 098 248 0906
Theo dõi các hoạt động giúp bé sáng tạo tại Fanpage của HAMI ART: https://www.facebook.com/hoacu.hami
Đây là bài dịch, bài biên soạn lại mà HAMI tổng hợp cũng như tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau.Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về giấy màu nước cũng như cách chọn và sử dụng chúng.
Tham khảo thêm bài gốc từ: https://www.art-is-fun.com/watercolor-paper/